Món lẩu luôn là món ăn được ưu tiên trong những bữa tiệc đông người, đặc biệt là món lẩu thái chua cay đang được yêu thích dạo gần đây. Tuy nhiên, việc nấu một nồi lẩu ngon rất phức tạp bởi phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu, trải qua nhiều công đoạn. Vì vậy, BepNhaToi sẽ chia sẻ cho bạn công thức nấu lẩu thái đơn giản và nhanh gọn nhất để thưởng thức cùng gia đình và bạn bè trong những ngày cuối tuần.
Nguyên liệu
Nguyên liệu nước lẩu
- 1kg xương ống (xương gà)
- 3 quả chua
- ½ quả thơm (dứa)
- 1 củ hành tây
- 2 quả ớt tươi
- 5 củ sả
- 1 nhánh quế
- 10 lá chanh
- 1 nhánh quế
- Hành, tỏi, riềng
- Gia vị: tương ớt, tương cà, muối, đường, bột ngọt, sa tế, nước mắm.
Nguyên liệu nhúng lẩu
- Thịt bò
- Mực
- Ngao
- Tôm
- Bạch tuộc
- Các loại viên
- Rau (rau muống, rau cải, bắp cải trắng, bắp chuối,…)
- Nấm (nấm kim châm, nấm đùi gà, nấm bào ngư,…)
- Bún hoặc mì, miến
*Lưu ý: Nguyên liệu nhúng lẩu có thể được thêm, bớt tùy theo sở thích và khẩu phần ăn của gia đình bạn.
Nguyên liệu nước chấm
- 1 quả chanh
- Ớt (nên chọn ớt xiêm để tăng vị thơm cho nước chấm)
- Gia vị: muối, đường, bột ngọt, wasabi
Sơ chế các nguyên liệu nấu lẩu
Nước lẩu
- Xương rửa sạch, chặt khúc, nếu xương to nên đập dập xương để nước lẩu ngọt hơn.
- Cà chua rửa sạch, cắt múi cau.
- Thơm rửa sạch, cắt miếng 1cm.
- Hành tây lột vỏ, rửa sạch, cắt múi cau.
- Ớt, nhánh quế, lá chanh rửa sạch
- Sả, hành, tỏi rửa sạch, băm nhỏ.
Nhúng lẩu
- Thịt bò rửa sạch, cắt lát mỏng để nhanh chín và mềm.
- Mực, bạch tuộc làm sạch, cắt khúc vừa ăn.
- Tôm cắt bỏ đầu, làm sạch ruột, rửa sạch.
- Ngao ngâm nước hoặc nước gạo (cắt thêm ớt vào nước ngâm) ít nhất 30 phút để sạch đất cát ở vỏ.
- Các loại rau, nấm chọn đồ tươi, rửa sạch, cắt khúc hoặc miếng vừa ăn.
Cách chế biến nước lẩu
Bước 1
Trần xương qua nước sôi 3-5 phút để loại bỏ hết bọt bẩn và mùi hôi. Tiếp theo, cho xương vào nồi với 3,5 lít nước. Đợi nước sôi 20 phút, cho lá chanh, quế, sả, riềng đập dập vào nồi nấu cùng.
Sau cùng, nêm thêm gia vị với công thức 2 muỗng cà phê muối, 3 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 5 muỗng canh nước mắm và hạ nhỏ lửa.
*Lưu ý: Nếu có bọt nổi lên khi hầm phải vớt bọt ra để nước dùng trong và sạch hơn.
Bước 2
Để tiết kiệm thời gian, trong lúc hầm xương bạn sẽ đi làm sốt nước lẩu.
Bắt chảo lên bếp, đợi chảo nóng cho dầu ăn, hành tím, tỏi, sả băm nhuyễn cho vào xào đến khi đổi màu vàng nâu thì nêm giá vị với 1 muỗng canh tương ớt, 1 muỗng canh tương cà, đảo đều.
Tiếp theo, cho thêm cà chua, thơm, hành tây vào và đảo sơ 1 phút rồi tắt lửa. Sau cùng, đổ hỗn hợp sốt của lẩu vào nồi nước hầm xương đang sôi
Bước 3
Ở bước này bạn nên nếm thử nước dùng đã vừa miệng hay chưa. Sau đó, nêm thêm 2 muỗng canh sa tế để lẩu thơm và tăng thêm độ cay. Giữ nước dùng với lửa nhỏ thêm 30 phút và tắt bếp.
Nếu muốn thêm độ chua, bạn có thể cho nước cốt me hoặc sấu đập dập vào nước dùng.
Cách pha chế nước chấm lẩu
Cho vào máy xay sinh tố 3 muỗng cà phê muối, 3 muỗng cà phê đường, ½ muỗng cà phê bột ngọt, lá chanh cắt nhỏ, ớt, wasabi, nước cốt chanh của 1 quả chanh. Xay nhuyễn và đều các nguyên liệu là bạn đã hoàn thành nước chấm chua cay để ăn ăn kèm lẩu.
*Lưu ý
Ớt và wasabi có thể điều chỉnh theo độ cay phù khẩu với khẩu vị của bạn. Nếu không có máy xay, bạn có thể cho nguyên liệu vào cối và giả nhuyễn, tuy nhiên, hương vị nước chấm sẽ không hòa quyện và đậm đà khi dùng máy xay sinh tố.
Một số lưu ý khi thực hiện món lẩu Thái tại nhà
Phần thức ăn nhúng lẩu có thể thay đổi theo sở thích ăn như thêm hải sản, các loại viên nhúng lẩu,…
Món lẩu thái đúng vị sẽ cay hơn các loại lẩu khác, vì vậy bạn có thể gia giảm độ cay để phù hợp với khẩu vị của gia đình.
Với các món lẩu, sử dụng nồi lẩu điện sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiện lợi hơn trong quá trình chế biến và thưởng thức.
Chỉ cần vài bước đơn giản từ công thức trên là bạn đã có một nồi lẩu thái thơm ngon cho những buổi gặp mặt, tụ họp cùng gia đình và bạn bè rồi. BepNhaToi chúc bạn thành công và thưởng thức món lẩu này thật ngon miệng nhé!